Bài viết chuyên khoa

DỊ ỨNG



 

DỊ ỨNG

Những điều bạn cần hỏi bác sĩ

Khi bạn bị dị ứng theo mùa, thì triệu chứng sẽ thay đổi theo mùa. Hãy bình tĩnh theo dõi –mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác – bằng cách nói chuyện với bác sĩ của bạn một cách trung thực về các triệu chứng dị ứng làm phiền đến cuộc sống của bạn. Nếu phương pháp điều trị hiện tại không cho kết quả tốt nhất hoặc bạn gặp khó khăn trong việc tuân thủ kế hoạch điều trị, hãy dành thời gian hôm nay để hỏi bác sĩ xem có cách điều trị khác phù hợp với bạn.

Hỏi bác sĩ của bạn. . .

Nếu mới chẩn đoán:

- Tôi bị dị ứng với cái gì?

Tôi làm gì để ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng?

Bác sỹ sẽ cho tôi dùng thuốc dị ứng loại nào?  

Tôi có cần xét nghiệm dị ứng không?

Nếu đang điều trị bệnh dị ứng:

Tôi vẫn bị triệu chứng dị ứng. Tôi có cần đổi qua kiểu điều trị khác?

Thuốc dị ứng làm tôi mệt mỏi, tôi phải làm sao?

Tôi đã thực hiện những thay đổi này để giúp tránh các tác nhân gây dị ứng: (kể ra)

Tôi có thể làm gì nữa?

Tôi có cần uống thuốc dị ứng mỗi ngày, quanh năm không?

Ghi nhớ: Luôn luôn báo cho bác sỹ nếu có thay đổi về thuốc men hoặc xáo trộn đời sống. Những thứ này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Đừng e ngại, hãy cho bác sỹ biết mọi lo ngại và liệu bạn có đang theo đúng kế hoạch điều trị hay không. Bác sĩ không thể giúp bạn nếu không biết chuyện gì đang xảy ra.

 

Tìm hiểu bệnh dị ứng

Khi bị dị ứng, cơ thể bạn sẽ phản ứng với thứ gì đó trong môi trường, trong khi người khác lại không bị. Những thứ mà cơ thể bạn phản ứng được gọi là chất gây dị ứng.

Các chất gây dị ứng đường hô hấp, gây ra các triệu chứng khi hít chúng vào, có thể ở trong không khí như phấn hoa ngoài trời hoặc bụi bặm trong nhà. Bài hướng dẫn này sẽ tập trung vào dị ứng đường hô hấp.  

 Các bác sĩ không biết tại sao một số người bị dị ứng và những người khác thì không. Chỉ biết rằng yếu tố nguy cơ lớn nhất gây dị ứng là có một thành viên thân thiết trong gia đình bạn cũng bị dị ứng.

 Khi bạn bị dị ứng, đây là những gì xảy ra:

  • Cơ thể bạn tiếp xúc với một chất gây dị ứng.
  • Hệ thống miễn dịch của bạn nghĩ rằng chất gây dị ứng là thứ có hại như virus và tạo ra các kháng thể giúp bảo vệ bạn.
  • Các kháng thể di chuyển đến các tế bào mast đặc biệt và bảo chúng giải phóng các hóa chất như histamine để chống lại chất gây dị ứng.
  • Những hóa chất này gây viêm (sưng) trong khoang mũi của bạn, và bạn sẽ bị các triệu chứng dị ứng như chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi và hắt hơi.

Ghi nhớ: Hãy hỏi bác sĩ có thực sự bạn bị dị ứng theo mùa hoặc quanh năm. Nếu bạn bị dị ứng với thứ gì đó chỉ có trong không khí vào những thời điểm nhất định trong năm (như phấn hoa), tức là bạn bị dị ứng theo mùa. Nếu chất gây dị ứng tồn tại bất cứ lúc nào (như nấm mốc hoặc bụi), thì dị ứng của bạn là quanh năm hoặc lâu năm. Và trong khi dị ứng đôi khi được gọi là “sốt cỏ khô” (“hay fever”), nhưng chúng không liên quan gì đến cỏ khô và bạn không bị sốt.

 

Triệu chứng

Các triệu chứng dị ứng của bạn có thể từ nhẹ đến nặng. Bạn sẽ thường có triệu chứng ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tùy thuộc vào những gì bạn bị dị ứng, bạn có thể có các triệu chứng quanh năm, chỉ trong những mùa nhất định, hoặc chúng có thể trở nên tồi tệ hơn trong những mùa nhất định.

Các dấu hiệu dị ứng phổ biến bao gồm:

  • hắt xì
  • ho
  • nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
  • mệt mỏi
  • ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt
  • ngứa mũi, cổ họng, tai hoặc vòm miệng
  • căng tức trong mũi và má   
  • sưng hoặc quầng thâm dưới mắt

Các triệu chứng của bạn có thể thay đổi theo thời gian và có thể từ từ biến mất khi bạn già đi.

Biến chứng dị ứng

Điều trị dị ứng giúp ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Điều trị cũng có thể giúp giảm các tình trạng như hen suyễn hoặc khó ngủ. Ngoài ra, nếu bạn không điều trị các triệu chứng của mình, chất lỏng có thể bị ứ trong xoang hoặc tai giữa, và có thể dẫn đến nhiễm trùng tai hoặc xoang.

 

Chẩn đoán

Để chẩn đoán dị ứng của bạn, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và khám, cũng như hỏi về tiền sử y tế của bạn. Nhưng nếu bạn đến khám chuyên khoa dị ứng ngay từ đầu, họ có thể cho làm các xét nghiệm để tìm ra những gì bạn bị dị ứng.

Xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm “chích da”. Với xét nghiệm này, người ta tiêm các mẫu chất gây dị ứng khác nhau vào da trên cánh tay hoặc lưng trên của bạn. Sau khoảng 15 phút, nếu bạn bị dị ứng với chất gây dị ứng đó thì xuất hiện một vết sưng nhỏ trên da.

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu thay vì xét nghiệm chích da nếu da khó làm hoặc nếu bạn đang dùng một số loại thuốc. Xét nghiệm IgE máu tìm kiếm kháng thể trong máu do hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra để chống lại chất gây dị ứng. 

Các chất gây dị ứng hay gặp

Bác sĩ có thể thấy các triệu chứng của bạn là do một hoặc nhiều chất gây dị ứng phổ biến này gây ra:

Phấn hoa cỏ, cây và ragweed (theo mùa) phát tán vào không khí từ cây, cỏ và cỏ dại vào những thời điểm nhất định trong năm, tùy thuộc vào nơi bạn sống. Bất cứ lúc nào, thời tiết có thể ảnh hưởng đến lượng phấn hoa trong không khí. Số lượng đo được gọi là “số lượng phấn hoa”. Nếu bạn dị ứng với một loại phấn hoa, bạn cũng có nhiều khả năng bị dị ứng với các loại khác.

Nấm mốc (theo mùa hoặc quanh năm) - Một số loại nấm mốc tạo ra các chất gây dị ứng trong bào tử của chúng (hạt mầm sau này phát triển thành nấm mốc mới). Những nấm mốc này phát triển trong nhà quanh năm và ngoài trời trong những mùa nhất định. Trong nhà, nấm mốc phát triển ở những nơi tối tăm, ấm áp, ẩm ướt như tầng hầm ẩm ướt, phòng tắm, thùng rác và máy tạo độ ẩm. Ngoài trời, bạn sẽ tìm thấy nấm mốc ở những khu vực ẩm ướt, vùng bị che khuất như đất hoặc lá rụng.

Ve mạt bụi (quanh năm) - Đây là những con bọ siêu nhỏ sống trong bụi. Ve mạt bụi phát triển mạnh nhất ở những nơi mềm mại, ấm áp, ẩm ướt như giường ngủ, thú nhồi bông và thảm.

Gián (quanh năm) - Cơ thể gián, phân và nước bọt có chứa protein mà bạn có thể bị dị ứng. Bạn sẽ thường tìm thấy những con gián trong những ngôi nhà cũ, thành phố và khu vực đông đúc, bất kể chúng sạch đến đâu.

Thú nuôi (quanh năm) Bụi dander (vảy da khô), nước bọt và nước tiểu từ động vật chứa đầy protein có thể gây ra các triệu chứng của bạn. Lông của con thú dài hay ngắn hoặc rụng nhiều hay ít sẽ không quan trọng. Nhưng lông thú có thể bám các chất gây dị ứng khác như phấn hoa và nấm mốc.

Nói về phấn hoa

Số lượng phấn hoa thay đổi trong suốt cả năm.

Phấn hoa từ cây cối: cuối mùa đông và mùa xuân

Phấn hoa từ cỏ: cuối mùa xuân và mùa hè

Phấn hoa Ragweed: cuối mùa hè và mùa thu

Số lượng phấn hoa nhiều nhất ở gần các cây cỏ vào sáng sớm, sau khi bình minh. Ở các thành phố, số lượng cao nhất từ ​​10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, phấn hoa di chuyển tốt nhất vào những ngày ấm áp, khô ráo, nhưng mưa và lạnh làm chúng chậm lại.

 

Phương pháp điều trị

Bạn không thể chữa khỏi dị ứng, nhưng bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch điều trị để giảm bớt các triệu chứng. Cách tốt nhất để điều trị dị ứng là tránh những gì bạn bị dị ứng. Khi điều này là không đủ hoặc không thể làm được, bác sĩ có thể đề nghị điều trị khác.

Có hai loại điều trị dị ứng:

Thuốc men: Điều trị các triệu chứng trong thời gian ngắn hạn.

Liệu pháp miễn dịch: Thay đổi cách phản ứng của cơ thể với chất gây dị ứng theo thời gian để giúp bạn giảm lâu dài.

Chú ý: Hầu hết các phương pháp điều trị dị ứng sẽ hiệu quả hơn nếu bắt đầu dùng trước khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng. Vì vậy, hãy luôn hỏi bác sĩ khi nào bạn nên bắt đầu dùng thuốc của bạn và đánh dấu vào lịch của bạn.

Các loại thuốc

Thuốc có thể mua tự do (“over the counter”) hoặc theo toa. Có một số loại thuốc phải dùng hàng ngày và có loại chỉ dùng khi có triệu chứng. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

Thuốc kháng histamine Thường là dạng thuốc viên để uống, nhưng có thể là thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mắt. Chúng ngăn chặn tác dụng của histamine trong cơ thể để giảm bớt các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi và ngứa.

Corticosteroid xịt mũi Đây là những loại thuốc xịt mũi giữ cho các mô trong mũi của bạn không bị sưng để bạn cảm thấy bớt nghẹt mũi. Để đảm bảo thuốc có tác dụng với bạn, điều quan trọng là sử dụng thuốc xịt mũi đúng cách. Hãy hỏi bác sĩ chỉ cho bạn cách xịt cho đúng.

Thuốc giảm nghẹt mũi (thông mũi) có dạng chất lỏng, thuốc viên hoặc thuốc xịt mũi. Thuốc làm co các mạch máu trong mũi, giúp giảm nghẹt. Thông thường bác sĩ chỉ kê toa thuốc xịt mũi dùng trong một khoảng thời gian ngắn.

Thuốc biến đổi Leukotriene Các thuốc dạng viên uống, ngăn chặn leukotrien (một loại hóa chất, giống như histamine, do cơ thể phóng ra, gây ra các triệu chứng dị ứng).

Liệu pháp miễn dịch

Nếu bạn đã đến khám một bác sĩ chuyên khoa để thử nghiệm và biết bạn bị dị ứng với cái gì, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp miễn dịch. Thuốc tiêm chống dị ứng là loại phổ biến nhất. Có một vài loại dị ứng, cơ quan Quản lý Thuốc (FDA) đã phê duyệt phương pháp điều trị miễn dịch dưới dạng viên đặt dưới lưỡi. Hãy hỏi bác sĩ để biết thêm.

Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách đưa một lượng nhỏ chất gây dị ứng vào cơ thể. Sau một thời gian, cơ thể bạn làm quen với chất gây dị ứng, không còn phản ứng với nó, và các triệu chứng của bạn giảm. Liệu pháp miễn dịch có thể làm giảm các triệu chứng dị ứng của bạn mãi mãi, hoặc có thể cần phải lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời.

 

Phải làm gì

Những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc ngăn chặn các triệu chứng. Bạn không cần phải thực hiện tất cả cùng một lúc, hãy chọn một trong những bước đơn giản sau để bắt đầu.

Bỏ thuốc lá

TẠI SAO: Hút thuốc có thể làm cho các triệu chứng dị ứng của bạn tồi tệ hơn.
CÁCH BẮT ĐẦU: Bắt đầu bằng cách hỏi bác sĩ về các loại thuốc ngừng hút thuốc. Điều này có thể giúp bỏ thuốc rất nhiều. Bạn có thể truy cập www.smokefree.gov để biết các mẹo bỏ thuốc.

Rửa sạch xoang mũi

TẠI SAO: Rửa sạch xoang (đổ hỗn hợp nước muối vào một lỗ mũi và cho nó chảy ra ngoài) có thể làm giảm nghẹt mũi bằng cách loại bỏ các chất gây dị ứng và chất nhầy.
CÁCH BẮT ĐẦU: Mua một bộ dụng cụ với chai bóp hoặc ấm đựng nước, tại nhà thuốc địa phương của bạn. Thực hiện theo các hướng dẫn, để pha các gói muối với nước đã được xử lý. Chỉ sử dụng nước vô trùng, chưng cất, hoặc đun sôi để nguội. Sau khi rửa tay, đổ hỗn hợp vào mũi mỗi lần một lỗ mũi. Hãy hỏi bác sĩ bao lâu nên rửa một lần.

Chăm sóc tốt bệnh hen suyễn của bạn

TẠI SAO: Nếu bạn bị hen suyễn, nó có thể liên quan đến dị ứng của bạn. Các chất gây dị ứng tương tự như mạt bụi và phấn hoa có thể gây ra các triệu chứng dị ứng, cũng có thể gây ra cơn hen suyễn.
CÁCH BẮT ĐẦU: Hỏi bác sĩ xem dị ứng và hen suyễn của bạn có liên quan. Nếu có, hãy làm theo kế hoạch điều trị đúng như bác sĩ khuyên và làm những gì bạn có thể để tránh các chất gây dị ứng.

Tránh các chất kích thích dị ứng

TẠI SAO: Một số điều có thể kích thích các triệu chứng của bạn hoặc làm cho chúng tồi tệ hơn, ngay cả khi bạn không đặc biệt dị ứng với chúng.
CÁCH BẮT ĐẦU: Để ý các thứ làm triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, hãy cố gắng tránh chúng. Nếu bạn không thể, hãy che miệng và mũi khi gần các thứ này.

thuốc xịt aerosol

ô nhiễm không khí

thời tiết lạnh

thời tiết ẩm ướt

gió

khói thuốc lá

củi đốt

  • khói kích thích

Chú ý: Luôn luôn hỏi bác sĩ trước khi thử điều trị đông y như châm cứu, thảo dược hoặc thuốc bổ sung cho dù bạn nghĩ nó có vẻ vô hại. Có thể chúng không giảm triệu chứng dị ứng. Trong khi một số loại –  như chiết xuất butterbur – có thể không an toàn.

 

 

HỎI ĐÁP

Tìm kiếm sản phẩm

phản hồi của khách hàng

PK ĐA KHOA MEKOMED - CỬU LONG
Đc: 75 Phạm Thái Bường - P.4 - Tp.Vĩnh Long
Email: info@mekomed.vn
Điện thoại:  0270-3838-911
Website: www. mekomed.vn

Điện thoại cho khách hàng liên hệ
02703838911

Tư vấn bác sĩ