Chuyên khoa

KHÔ MẮT



 1.   Khô mắt là gì?

Khô mắt là một tình trạng phổ biến xảy ra khi nước mắt không đủ chất bôi trơn cho mắt. Nếu khô mắt kéo dài mà không có biện pháp khắc phục có thể dẫn đến viêm và tổn thương bề mặt của mắt.

Nếu bạn bị khô mắt, mắt sẽ có cảm giác khó chịu như cộm. đỏ mắt, cay và hay mỏi mắt. Một số trường hợp nhất định có thể gây khô mắt như trên máy bay, trong phòng máy lạnh, khi đang đạp xe hoặc sau khi nhìn vào màn hình trong nhiều giờ.

Biết các phương pháp điều trị khô mắt có thể giúp bạn thoải mái hơn. Những phương pháp điều trị này có thể bao gồm thay đổi lối sống và các loại thuốc nhỏ mắt. Những người hay bị khô mắt sẽ cần áp dụng các phương pháp bảo vệ mắt thường xuyên hơn.

2.   Triệu chứng bệnh khô mắt

Các dấu hiệu và triệu chứng của khô mắt và thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, có thể bao gồm:

- Cảm giác châm chích hoặc bỏng rát và cảm giác khô và nhức mắt

- Có chất nhầy có dây trong hoặc xung quanh mắt

- Nhạy cảm với ánh sáng

- Đỏ mắt

- Cảm giác có thứ gì đó ở trong mắt

- Khó chịu khi đeo kính áp tròng

- Khó khăn khi lái xe vào ban đêm

- Chảy nước mắt, đó là phản ứng của cơ thể đối với sự kích ứng của khô mắt

- Mờ mắt hoặc mỏi mắt

3.   Khi nào bạn cần đi khám bác sỹ?

Hãy nên đi khám bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng khô mắt kéo dài, như mắt đỏ, khó chịu ở mắt, mỏi mắt hoặc đau mắt. Bác sĩ sẽ kiểm tra và xác định nguyên do làm cho mắt bạn bị khó chịu và có thể giới thiệu bạn đến bác sỹ chuyên khoa nếu cần.

4.   Nguyên nhân gây khô mắt

Có nhiều nguyên nhân làm phá vỡ màng nước mắt. Màng nước mắt có ba lớp: lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy. Sự kết hợp của ba lớp giúp cho bề mặt mắt được bôi trơn, và làm trong suốt tầm nhìn. Các vấn đề với bất kỳ lớp nào trong số này có thể gây khô mắt.

Có nhiều lý do làm rối loạn chức năng màng nước mắt như thay đổi hormone, bệnh tự miễn, viêm giác mạc mắt. Đối với một số người, nguyên nhân gây khô mắt là do giảm tiết nước mắt hoặc tăng bốc hơi nước mắt.

Giảm sản xuất nước mắt

Khô mắt có thể xảy ra khi mắt bạn không thể sản xuất đủ nước. Tình trạng này được gọi là viêm giác kết mạc khô. Nguyên nhân phổ biến của việc giảm sản xuất nước mắt bao gồm:

- Càng lớn tuổi sẽ càng giảm tiết nước mắt

 - Một số vấn đề sức khỏe như hội chứng Sjogren, viêm mắt, viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, bệnh sarcoidosis, rối loạn tuyến giáp hoặc thiếu vitamin A.

- Một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, liệu pháp thay thế hormone, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị huyết áp cao, mụn trứng cá, ngừa thai và bệnh Parkinson.

- Dị cảm dây thần kinh giác mạc do sử dụng kính áp tròng, tổn thương dây thần kinh hoặc do phẫu thuật mắt bằng laser. Mặc dù các triệu chứng khô mắt liên quan đến thủ thuật này thường chỉ tạm thời.

Tăng bốc hơi nước mắt

Màng dầu được tạo ra bởi các tuyến nhỏ trên rìa mí mắt (tuyến meibomian) có thể bị tắc nghẽn. Các tuyến meibomian bị tắc thường phổ biến hơn ở những người bị bệnh rosacea (chứng đỏ mặt) hoặc các rối loạn về da khác.

Các nguyên nhân phổ biến làm tăng bốc hơi nước mắt bao gồm:

- Viêm bờ mi (rối loạn chức năng tuyến meibomian)

- Chớp mắt ít thường xuyên hơn, có xu hướng xảy ra với một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh Parkinson; hoặc khi bạn đang tập trung trong các hoạt động nhất định, chẳng hạn như khi đọc sách, lái xe hoặc làm việc trên máy tính.

- Các vấn đề về mí mắt, chẳng hạn như mi quay ra ngoài (lộ mi mắt) và mi quay vào trong (quặm mi mắt)

- Dị ứng mắt

- Chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt tại chỗ

- Mắt tiếp xúc gió hoặc khói

- Thiếu vitamin A

5.   Có những yếu tố nào làm cho dễ khô mắt hơn?

- Các yếu tố khiến bạn dễ bị khô mắt bao gồm:

- Trên 50 tuổi: Sản lượng nước mắt có xu hướng giảm dần khi bạn già đi. Khô mắt phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.

- Là phụ nữ: Thiếu nước mắt phổ biến hơn ở phụ nữ. Đặc biệt là đang trong giai đoạn thay đổi nội tiết tố như mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc mãn kinh.

- Chế độ ăn ít vitamin A:  Vitamin A thường có nhiều trong gan, cà rốt và bông cải xanh, hoặc bổ sung ít axit béo omega-3 có trong cá, quả óc chó và dầu thực vật.

- Đeo kính áp tròng thường xuyên hoặc đã từng phẫu thuật khúc xạ.

6.   Khô mắt có thể dẫn đến biến chứng gì?

Những người bị khô mắt có thể gặp các biến chứng sau:

- Nhiễm trùng mắt: Nước mắt của bạn bảo vệ bề mặt của mắt bạn khỏi bị nhiễm trùng. Nếu không có đủ nước mắt, bạn có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.

- Bề mặt mắt dễ bị tổn thương: Nếu khô mắt kéo dài mà không có biện pháp cải thiện, tình trạng khô mắt nặng có thể dẫn đến viêm mắt, mài mòn bề mặt giác mạc, loét giác mạc và giảm thị lực.

- Chất lượng cuộc sống giảm sút: Khô mắt có thể gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như đọc sách.

7.    Làm gì để phòng ngừa khô mắt?

Nếu bạn bị khô mắt, hãy chú ý đến những nguyên do nào bạn nghĩ làm cho bạn bị khô mắt. Sau đó, tìm cách tránh những trường hợp đó để ngăn ngừa nó.

Một số ví dụ các phòng ngừa các trường hợp thường gây khô mắt:

- Tránh không khí thổi vào mắt. Không hướng máy sấy tóc, máy sưởi xe hơi, máy điều hòa không khí hoặc quạt về phía gần mắt.

- Bổ sung độ ẩm cho không khí. Vào mùa se lạnh, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm ở trong phòng của bạn.

- Đeo kính râm hoặc kính bảo vệ mắt khi ra đường. Bạn nên chọn những loại kính áp được rộng vùng mắt. Có tấm chắn phía trước sẽ giúp bảo vệ các vật lạ rơi vào mắt gây viêm mắt và giúp tránh gió để không làm khô mắt.

- Thường xuyên cho mình thời gian nghỉ ngơi mắt khi làm việc. Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải tập trung thị giác nhiều, hãy để cho mắt được nghỉ ngơi định kỳ. Tốt nhất khoảng từ một tiếng, nên nhắm mắt trong vài phút. Hoặc chớp mắt liên tục trong vài giây để giúp dàn đều nước mắt trên mắt.

- Để ý môi trường xung quanh. Khi sống ở vùng trên cao hoặc khi trên máy báy, thường không khí sẽ rất khô. Vì thế, tạo thói quen hay chợp mắt trong vài phút sẽ giúp giảm thiểu sự bay hơi của nước mặt.

- Đặt màn hình máy tính dưới tầm mắt. Nếu màn hình máy tính cao hơn tầm mắt, bạn sẽ phải mở to mắt hơn để xem màn hình. Đặt màn hình máy tính dưới tầm mắt giúp bạn không phải mở to mắt. Điều này giúp làm chậm quá trình bay hơi nước mắt giữa các lần chớp mắt.

- Ngừng hút thuốc và tránh khói thuốc. Hãy tránh xa những người hút thuốc. Khói có thể làm các triệu chứng khô mắt nghiêm trong hơn.

- Dùng nước mắt nhân tạo. Nếu bạn bị khô mắt lâu dài mạn tính, hãy sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo ngay cả khi mắt bạn không cảm thấy cay mỏi mắt.

8.   Chẩn đoán

Khám mắt toàn diện. Khám mắt bao gồm tiền sử đầy đủ về sức khỏe tổng thể và sức khỏe mắt có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây khô mắt.

Đo lượng nước mắt tiết ra. Bác sĩ có thể đo lượng nước mắt bằng cách sử dụng xét nghiệm Schirmer đặt các dải giấy thấm dưới mí mắt dưới. Sau năm phút, bác sĩ sẽ đo lượng nước mắt của bệnh nhân.

Đo lượng nước mắt bằng thử nghiệm chỉ đỏ phenol (phenol red thread test). Trong thử nghiệm này, bác sĩ đặt một sợi chỉ chứa đầy thuốc nhuộm nhạy cảm với pH (nước mắt thay đổi màu thuốc nhuộm) trên mí mắt dưới, làm ướt bằng nước mắt trong 15 giây và sau đó đo lượng nước mắt.

Xác định chất lượng nước mắt. Nhỏ thuốc nhỏ mắt chứa thuốc nhuộm đặc biệt lên giác mạc của mắt, sau đó đo thời gian mất bao lâu trước khi nước mắt bay hơi.

Kiểm tra độ thẩm thấu của nước mắt. Loại xét nghiệm này đo thành phần của các hạt và nước trong nước mắt. Với bệnh khô mắt, lượng nước trong mắt sẽ ít hơn.

Tìm dấu hiệu của bệnh khô mắt thông qua mẫu nước mắt, bao gồm cả chất nền metalloproteinase-9 tăng hoặc lactoferrin giảm.

9.   Phương pháp điều trị khô mắt

Đối với hầu hết những người bị các triệu chứng khô mắt không thường xuyên hoặc nhẹ, chỉ cần thường xuyên sử dụng thuốc nhỏ mắt không kê đơn (nước mắt nhân tạo) là đủ. Nếu các triệu chứng dai dẳng và nghiêm trọng hơn, cần lựa chọn điều trị dựa vào nguyên nhân gây ra chứng khô mắt.

Một số phương pháp điều trị tập trung vào việc đảo ngược hoặc kiểm soát một tình trạng hoặc yếu tố gây khô mắt. Các phương pháp điều trị khác có thể cải thiện chất lượng nước mắt hoặc ngăn nước mắt nhanh chóng chảy ra khỏi mắt.

Điều trị nguyên nhân gây khô mắt

Trong một số trường hợp, điều trị vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể giúp làm rõ các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khô mắt. Ví dụ: Nếu một loại thuốc gây khô mắt, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc khác không gây ra tác dụng phụ đó.

Nếu có tình trạng mí mắt, chẳng hạn như da mí mắt gấp ra ngoài có thể cần phẫu thuật tạo hình mí mắt.

Thuốc

- Thuốc giảm viêm mí mắt. Tình trạng viêm dọc theo rìa mí mắt có thể ngăn các tuyến dầu tiết dầu vào nước mắt. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để giảm viêm. Thuốc kháng sinh trị khô mắt thường được dùng bằng đường uống, một số loại khác dùng dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ.

- Thuốc nhỏ mắt để kiểm soát tình trạng viêm giác mạc. Tình trạng viêm trên bề mặt mắt (giác mạc) có thể được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt kê đơn có chứa thuốc ức chế miễn dịch cyclosporin hoặc corticosteroid. Không nên dùng corticosteroid lâu dài do các tác dụng phụ có thể xảy ra.

- Miếng đặt mắt có tác dụng như nước mắt nhân tạo.

 

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-eyes/symptoms-causes/syc-20371863

HỎI ĐÁP

Tìm kiếm sản phẩm

phản hồi của khách hàng

PK ĐA KHOA MEKOMED - CỬU LONG
Đc: 75 Phạm Thái Bường - P.4 - Tp.Vĩnh Long
Email: info@mekomed.vn
Điện thoại:  0270-3838-911
Website: www. mekomed.vn

Điện thoại cho khách hàng liên hệ
02703838911

Tư vấn bác sĩ