Chuyên khoa

MẤT NƯỚC



 1.   Tổng quan

Mất nước là tình trạng cơ thể chúng ta sử dụng hoặc mất đi lượng nước nhiều hơn lượng nước được cung cấp hằng ngày. Nếu lượng thiếu hụt không được bù đủ thì cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước

Bất cứ ai cũng có thể bị mất nước, nhưng tình trạng mất nước này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây mất nước ở trẻ nhỏ là tiêu chảy nặng và nôn mửa. Người lớn tuổi tự nhiên có lượng nước trong cơ thể thấp hơn bình thường do có thể mắc các bệnh lý hoặc dùng thuốc làm tăng nguy cơ mất nước.

Điều này có nghĩa là ngay cả những bệnh nhẹ chẳng hạn như nhiễm trùng ảnh hưởng đến phổi hoặc bàng quang cũng có thể dẫn đến mất nước ở người lớn tuổi.

Mất nước cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nếu bạn không uống đủ nước trong thời tiết nóng - đặc biệt nếu bạn đang tập thể dục mạnh.

Bạn thường có thể loại bỏ tình trạng mất nước nhẹ đến trung bình bằng cách uống nhiều nước hơn, nhưng mất nước nghiêm trọng cần phải được điều trị ngay lập tức.

2.   Dấu hiệu và triệu chứng cơ thể mất nước

Các dấu hiệu và triệu chứng cơ thể mất nước cũng có thể khác nhau theo từng độ tuổi.

Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ

- Khô miệng và lưỡi

- Khóc không có nước mắt

- Tã của trẻ không ướt sau mỗi 3 giờ

- Mắt và gò má trũng sâu

- Đỉnh sọ trũng mềm

- Bơ phờ hoặc cáu kỉnh

Người lớn

- Khát nước

- Đi tiểu ít hơn

- Nước tiểu sẫm màu

- Mệt mỏi

- Chóng mặt

- Lú lẫn

3.   Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

- Tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày mà không cải thiện

- Dễ cáu kỉnh hoặc chóng mặt và mệt mỏi hoặc ít hoạt động hơn bình thường

- Đi tiêu phân có máu hoặc có màu đen

4.   Nguyên nhân

Đôi khi tình trạng mất nước xảy ra vì những lý do đơn giản như bạn không uống đủ nước vì bị ốm, bận rộn hay bạn không đem theo nước sạch khi đi bộ đường dài hoặc đi cắm trại.

Các nguyên nhân mất nước khác bao gồm:

- Tiêu chảy, nôn ói: có thể gây mất nước và chất điện giải rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn.

- Sốt: sốt càng cao cơ thể càng nhanh mất nước.

- Đổ quá nhiều mồ hôi: do các hoạt động thể lực, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời. Ngoài ra, thời tiết nóng cũng góp phần khiến cho cơ thể mất nước nếu bạn không bổ sung lại một lượng nước thích hợp.

- Tiểu nhiều: đó có thể là do bệnh tiểu đường không được điều trị hoặc không được kiểm soát. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và một số loại thuốc huyết áp cũng có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn dẫn đến tình trạng mất nước.

5.   Những đối tượng có nguy cơ cao bị mất nước

Bất cứ ai cũng có thể bị mất nước, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn:

- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Có nhiều yếu tố khiến cho trẻ mất nước. Đó có thể là tình trạng tiêu chảy, nôn ói hoặc các bệnh lý gây sốt. Hơn nữa, trẻ nhỏ không thể nói ra cảm giác khát và không thể tự uống nước.

- Người cao tuổi: Khi bạn già đi, khả năng dự trữ dịch của cơ thể giảm dần. Đồng thời, cảm giác khát cũng không còn nhạy cảm như thời trẻ. Người già còn có thể mắc các bệnh lý như đái tháo đường, mất trí nhớ hay đang sử dụng một vài loại thuốc. Một số người già có thể còn gặp khó khăn trong việc tự uống nước.

- Người mắc các bệnh mãn tính: như đái tháo đường, các bệnh lý của thận hoặc các bệnh lý cần sử dụng thuốc lợi tiểu. Ngay cả khi bị cảm lạnh hoặc đau họng cũng khiến bạn dễ bị mất nước hơn vì bạn ít có cảm giác muốn ăn hoặc uống khi bị ốm.

- Những người làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời đặc biệt trong điều kiện nắng nóng điều này có thể dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng lên và cần nhiều nước hơn.

6.  Biến chứng

Mất nước có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

- Tổn thương do nhiệt: Nếu bạn không uống đủ nước khi tập thể dục mạnh và đổ mồ hôi nhiều, bạn có thể bị sốc nhiệt ở mức độ nghiêm trọng từ chuột rút nhẹ đến kiệt sức vì nóng hoặc say nắng có khả năng đe dọa tính mạng.

- Các bệnh lý liên quan đến thận: tình trạng thiếu nước kéo dài làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu, hình thành sỏi thận, nặng nề nhất là suy thận.

- Động kinh: mất nước dẫn tới rối loạn và mất cân bằng điện giải như natri, kali. Tình trạng này gây ra sự rối loạn trong dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào trong cơ thể. Hậu quả là các cơn co cơ không chủ ý, một số trường hợp có thể mất ý thức.

- Sốc giảm thể tích: là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất, đe dọa tính mạng. Mất nước khiến thể tích dịch lưu thông trong lòng mạch giảm, dẫn tới huyết áp giảm. Khi đó, các cơ quan thiết yếu không đủ oxy và dưỡng chất để duy trì hoạt động.

7.   Cần làm gì để phòng ngừa?

- Uống đủ nước, ăn những loại thức ăn chứa nhiều nước, nhất là vào mùa hè. Nhu cầu nước mỗi người không giống giống nhau. Mặc dù vậy, không nên đợi tới khi khát mới uống nước.

- Bổ sung nước nhiều hơn bình thường khi gặp các vấn đề như tiêu chảy, nôn ói.

- Với các công việc nặng, đặc biệt nếu ở ngoài trời, nên uống nước trước và trong khi làm. Có thể đánh giá cơ thể đủ nước nếu nước tiểu loãng, vàng trong.

- Khi thời tiết lạnh cũng cần bổ sung nước vì lúc này không khí thường khô hơn, dẫn tới mất nước qua hơi ẩm.

- Người già mắc các bệnh lý dù nhẹ như cảm cúm, viêm phế quản, nhiễm trùng bàng quang nên uống nhiều nước hơn thường ngày dù chưa biểu hiện triệu chứng của mất nước.

8.   Chẩn đoán

Trước khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng thực thể để loại trừ nguyên nhân đến từ các bệnh khác. Sau đó sẽ tiến hành đo nhịp tim và huyết áp vì nhịp tim nhanh kết hợp với huyết áp giảm cũng có thể là biểu hiện của việc mất nước.

Một số xét nghiệm có thể giúp xác định tình trạng mất nước:

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp kiểm tra hàm lượng chất điện giải đặc biệt là Kali và Natri trong máu. Hàm lượng chất điện giải giảm chính là biểu hiện của mất nước. Ngoài ra xét nghiệm máu cũng có thể xác định hàm lượng creatinin trong máu qua đó đánh giá được mức độ hoạt động của thận. Một trong các nguyên nhân khiến thận hoạt động không bình thường chính là mất nước

- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra hàm lượng chất điện giải trong nước tiểu qua đó giúp các bác sĩ chẩn đoán được bạn có bị mất nước hay không? Và mất nước ở mức độ nào? Bên cạnh đó màu sắc của nước tiểu cũng có thể cho biết tình trạng mất nước của cơ thể. Nước tiểu sẫm màu là cơ sở để chẩn đoán mất nước.

9.   Điều trị mất nước

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho mất nước chính là bù nước và điện giải kịp thời. Tuy nhiên cần lưu ý đến độ tuổi, nguyên nhân và mức độ mất nước để bù nước một cách phù hợp.

Bù nước cho trẻ sơ s​inh và trẻ nhỏ

Trong trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mất nước do tiêu chảy, có biểu hiện nôn hoặc sốt, hãy sử dụng dung dịch bù nước đường uống không kê đơn như oresol. Các dung dịch này chứa nước và muối theo tỷ lệ cụ thể để bổ sung cả chất lỏng và chất điện giải.

Bù nước cho người trưởng thành trong trường hợp mất nước nhẹ

Trường hợp lao động hoặc chơi thể thao trong điều kiện thời tiết nắng nóng có thể bù nước bằng nước mát hoặc đồ uống chứa chất điện giải. Đối với trường hợp mất nước nhẹ do tiêu chảy, nôn hoặc sốt chỉ cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng nước trái cây hay nước ngọt vì có thể khiến tình trạng bệnh tệ hơn.

Bù nước trong trường hợp mất nước nghiêm trọng

Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng kể cả đối với trẻ em hay người lớn đều là tình trạng cấp cứu và cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhân để có hướng xử trí kịp thời.

Bù nước và điện giải theo cách thông thường sẽ không hiệu quả bằng truyền trực tiếp qua đường tĩnh mạch. Nước, muối và các chất điện giải truyền qua đường tĩnh mạch sẽ được hấp thu nhanh hơn do đó tăng tốc độ hồi phục của cơ thể.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dehydration/symptoms-causes/syc-20354086

HỎI ĐÁP

Tìm kiếm sản phẩm

phản hồi của khách hàng

PK ĐA KHOA MEKOMED - CỬU LONG
Đc: 75 Phạm Thái Bường - P.4 - Tp.Vĩnh Long
Email: info@mekomed.vn
Điện thoại:  0270-3838-911
Website: www. mekomed.vn

Điện thoại cho khách hàng liên hệ
02703838911

Tư vấn bác sĩ