Chuyên khoa

THOÁI HÓA KHỚP



1.   Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Trình trạng này xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị hư hại, tổn thương theo thời gian.

Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến mọi khớp trên cơ thể, một số khớp chịu nhiều ảnh hưởng như tay, đầu gối, hông, cột sống.

2.  Triệu chứng thoái hóa khớp

Các biểu hiện trong thoái hóa khớp thường phát triển chậm và mức độ tăng nặng hơn theo thời gian, các dấu hiệu thường gặp nhất bao gồm:

- Đau nhức: Người bệnh sẽ cảm thấy đau khi vận động các khớp bị tổn thương

- Cứng khớp: Triệu chứng này thường đi kèm với những cơn đau và được thấy dễ dàng nhất sau khi thức dậy hoặc sau một thời gian không vận động, di chuyển.

- Mất khả năng vận động: làm giảm hoặc khiến bạn mất hoàn toàn khả năng vận động tại vị trí bị tổn thương.

- Xuất hiện tiếng khớp kêu khi di chuyển: Người bệnh có cảm giác nóng ran và có thể nghe thấy tiếng lộp cộp hoặc lách cách khi cử động.

- Sưng tấy: Thoái hóa khớp kéo dài thường dẫn đến tình trạng sưng tấy làm biến dạng các khớp và vùng cơ xung quanh khớp.

3.   Khi nào đi khám bác sĩ

Với tất cả các bệnh về viêm khớp phổ biến trên, dù cấp tính hay mãn tính thì tùy vào tình trạng, triệu chứng và nguyên nhân của bệnh viêm khớp mà mỗi người sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Vì vậy, cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa xương khớp để thăm khám và điều trị nếu có dấu hiệu bất thường. 

4. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp bao gồm:

- Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp càng lớn.

- Giới tính: Nữ giới có khả năng bị bệnh cao hơn nam giới.

- Béo phì: Béo phì làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là các khớp đầu gối, hông và cột sống. Tình trạng này kéo dài dẫn đến hệ thống dây chằng bị tổn thương và khiến bệnh thoái hóa khớp tiến triển nặng.

- Tổn thương khớp: Khớp bị tổn thương do chấn thương khớp hay hoạt động quá sức.

- Di truyền: Một số bệnh lý về xương khớp hay thoái hóa khớp liên quan đến gen di truyền. Nếu có bố mẹ hay anh chị em trong gia đình mắc các bệnh này thì rất có thể nguyên nhân bị thoái hóa khớp của bạn là do gen di truyền.

5.   Chẩn đoán

Chẩn đoán hình ảnh

- X-quang: Sụn ​​không hiển thị trên hình ảnh X-quang mà chỉ có thể quan sát được các gai xương xung quanh khớp và tình trạng hẹp khe khớp giữa các xương

- Chụp cộng hưởng từ (MRI)): phương pháp này có thể quan sát được hình ảnh chi tiết về xương và mô mềm, bao gồm cả sụn. Chụp MRI thường không cần thiết để chẩn đoán thoái hóa khớp nhưng có thể giúp chẩn đoán các trường hợp bệnh phức tạp hơn.

Xét nghiệm

- Xét nghiệm công thức máu: Mặc dù không có xét nghiệm máu về viêm xương khớp, nhưng một số xét nghiệm có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

- Phân tích dịch khớp: Phân tích dịch khớp để kiểm tra tình trạng viêm và xác định xem cơn đau của bạn là do bệnh gút hay nhiễm trùng chứ không phải do thoái hóa khớp.

6.   Điều trị

Thuốc

- Paracetamol. Paracetamol được sử dụng phổ biến trong các trường hợp giảm đau từ nhẹ đến trung bình. Khi dùng paracetamol, luôn sử dụng liều mà bác sĩ đa khoa khuyến cáo và không vượt quá liều tối đa ghi trên bao bì.

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID không kê đơn chẳng hạn như ibuprofen và naproxen natri. Nếu sử dụng paracetamol không giúp bạn kiểm soát hiệu quả các cơn đau, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm không steroid (NSAID). NSAID có thể không phù hợp với những người mắc một số bệnh như loét dạ dày hoặc các vấn đề về tim mạch và tổn thương gan, thận. NSAID có sẵn dưới dạng kem mà bạn có thể bôi trực tiếp lên các khớp bị ảnh hưởng. Ngoài việc giúp giảm đau, chúng cũng có thể giúp giảm sưng khớp.

- Duloxetine (Cymbalta). Thường được sử dụng làm thuốc chống trầm cảm, thuốc này cũng được dùng để điều trị chứng đau mãn tính, bao gồm cả chứng đau do thoái hóa khớp.

Trị liệu

- Vật lý trị liệu. Chuyên gia vật lý trị liệu có thể chỉ cho bạn các bài tập để tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp, tăng tính linh hoạt và giảm đau. Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên mà bạn tự làm, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi bộ, có thể mang lại hiệu quả như nhau.

- Trị liệu nghề nghiệp. Chuyên gia trị liệu cơ năng có thể giúp bạn khám phá các cách để thực hiện các công việc hàng ngày mà không gây thêm căng thẳng cho khớp vốn đã đau của bạn. Ví dụ, bàn chải đánh răng có tay cầm lớn có thể giúp bạn đánh răng dễ dàng hơn nếu bạn bị viêm xương khớp ở tay. Một chiếc ghế dài trong phòng tắm của bạn có thể giúp giảm đau khi đứng nếu bạn bị thoái hóa khớp gối.

- Kích thích thần kinh điện xuyên da (TENS). Là sử dụng dòng điện tần số thấp để giảm đau trong một thời gian ngắn cho một số người bị thoái hóa khớp gối và hông.

Phẫu thuật và các thủ tục khác

- Tiêm cortisone. Tiêm corticosteroid vào khớp của bạn có thể giảm đau trong vài tuần. Bạn có thể tiêm cortisone tối đa khoảng 3 - 4 lần/năm, vì thuốc có thể làm tổn thương khớp nặng hơn theo thời gian.

- Tiêm acid hyaluronic. Acid hyaluronic là một chất tự nhiên được tìm thấy trong chất lỏng hoạt dịch có tác dụng bôi trơn, đàn hồi giảm “xóc” trong các khớp. Thuốc được tiêm vào trong khớp để tăng khả năng bôi trơn, giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp, kích thích màng bao khớp tiết ra chất nhờn tự nhiên, giúp giảm viêm, dưỡng sụn…. 

- Sắp xếp lại xương. Nếu viêm xương khớp làm tổn thương một bên đầu gối của bạn nhiều hơn bên kia, phẫu thuật cắt xương có thể hữu ích

- Thay khớp. là phẫu thuật tái tạo khớp, có thể được áp dụng hầu hết các khớp như gối, háng, ngón tay…. Khi phẫu thuật thay khớp, bác sĩ sẽ bỏ phần khớp đã hư hại và thay thế vào đó phần khớp nhân tạo được làm bằng các vật liệu y sinh đặc biệt. Các khớp nhân tạo có thể bị mòn hoặc lỏng lẻo và cuối cùng các khớp này có thể cần được thay thế một lần nữa.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoarthritis/symptoms-causes/syc-20351925

HỎI ĐÁP

Tìm kiếm sản phẩm

phản hồi của khách hàng

PK ĐA KHOA MEKOMED - CỬU LONG
Đc: 75 Phạm Thái Bường - P.4 - Tp.Vĩnh Long
Email: info@mekomed.vn
Điện thoại:  0270-3838-911
Website: www. mekomed.vn

Điện thoại cho khách hàng liên hệ
02703838911

Tư vấn bác sĩ